Tiếp xúc với không khí độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Không khí đang ô nhiễm nặng ở nhiều khu vực. Ảnh: Pixabay.
Phần lớn dân số thế giới hít thở không khí không sạch, trong đó, tình trạng ở nhiều nước đang phát triển rất nghiêm trọng, CNN đưa tin. Việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm khiến khoảng 6,1 triệu người chết năm 2016, theo báo cáo thường niên về tình trạng không khí toàn cầu của tổ chức Health Effects Institute (HEI).
Tiếp xúc với không khí độc hại có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, ung thư phổi và bệnh phổi mạn tính. Đây cũng là nguyên nhân gây chết người nhiều thứ 4 trong số các rủi ro về sức khỏe, đứng sau huyết áp cao, chế độ ăn uống và hút thuốc.
"Ô nhiễm không khí khiến rất nhiều người trên thế giới tử vong, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp khó thở, người trẻ và người già phải nhập viện, không thể đi học hay đi làm, và nhiều trường hợp chết sớm. Báo cáo của chúng tôi cho thấy sự tiến triển ở một số nơi trên thế giới, nhưng vẫn còn những thách thức lớn để loại trừ tai họa này", Bob O'Keefe, phó chủ tịch HEI, cho biết.
Hơn 50% trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc đã cải thiện phần nào tình trạng này. Trong khi đó, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ là ba nước có mức ô nhiễm tăng nhanh nhất từ năm 2010.
Việc đốt nhiên liệu rắn để sưởi hoặc nấu ăn có thể gây ô nhiễm không khí trong nhà. Năm 2016, tổng cộng khoảng 2,5 tỷ người trên thế giới tiếp xúc với không khí ô nhiễm từ nhiên liệu rắn như củi hay than. Phần lớn họ sống ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi, và phải đối mặt với cả ô nhiễm không khí trong nhà cũng như ngoài trời.
Tác động kép này dẫn đến 1/4 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí ở Ấn Độ và gần 1/5 trường hợp tử vong tại Trung Quốc. Số người phụ thuộc vào nhiên liệu rắn giảm từ khoảng 3,6 tỷ năm 1990 xuống còn 2,4 tỷ người năm 2016 dù dân số thế giới tăng.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường khiến khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo vào tháng 4/2017. Khoảng 9 triệu người trên thế giới chết do các loại ô nhiễm như không khí, nước, đất hay hóa chất, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2015.